Chi phí quản lý doanh nghiệp
Việc quản lý chi phí doanh nghiệp tốt sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều chi phí trong quá trình hoạt động. Vậy chi phí doanh nghiệp gồm những gì? Hãy cùng, Tân Thành Thịnh tìm hiểu thêm về chi phí doanh nghiệp là gì? Định mức và hoạch toán ra sao nhé.
Chi phí quản lý doanh nghiệp
1.Chi phí doanh nghiệp là gì?
Trước hết các bạn cần hiểu thêm về chi phí là gì? Sau đó mới có thể hiểu cặn kẽ chi phí quản lý doanh nghiệp là gì?
Chi phí là những khoản làm giảm lợi ích kinh tế, được ghi nhận tại thời điểm giao dịch phát sinh hoặc khi có khả năng tương đối chắc chắn sẽ phát sinh trong tương lai không phân biệt đã chi tiền hay chưa. Chi phí có rất nhiều loại khác nhau như:
- Chi phí sản xuất
- Chi phí quản lý
- Chi phí sản phẩm
- Chi phí vận chuyển
Tùy vào tiêu chí mà có thể đưa ra nhiều loại khác nhau, việc phân loại chi phí và quản lý chi phí tốt sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm và có bước phát triển bền vững.
1.1 Chi phí quản lý doanh nghiệp là gì?
Chi phí quản lý doanh nghiệp là chi phí phát sinh trong quá trình tổ chức các hoạt động doanh nghiệp mà doanh nghiệp đó phải bỏ ra để vận hành của mình.
Chi phí quả lý doanh nghiệp có liên quan đến toàn bộ các hoạt động của doanh nghiệp chứ không được tách riêng cho từng hoạt động cụ thể. Đồng thời, tùy vào cách thức vận hành của doanh nghiệp mà chi phí quản lý cũng khác nhau.
Chi phí quản lý doanh nghiệp là một yếu tố cấu thành quan trọng trong hệ thống chi phí của doanh nghiệp. Chính vì vậy, điều mà hầu hết các nhà quản trị đều quan tâm là làm sao để quản lý tốt chi phí này sao cho hợp lý nhất với doanh nghiệp của mình.
a) Chi phí quản lý doanh nghiệp gồm những gì?
Trong kế toán của doanh nghiệp thì chi phí quản lý chi phí quản lý doanh nghiệp sẽ bao gồm:
- Chi phí nhân viên quản lý: được coi là toàn bộ các chi phí mà doanh nghiệp phải trả cho nhân sự quản lý doanh nghiệp, bao gồm tiền lương, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, tiền phụ cấp,… của nhân viên quản lý ở các bộ phận, Ban giám đốc của doanh nghiệp.
- Chi phí vật liệu quản lý: đây là các khoản phí chi cho vật liệu dùng cho công tác quản lý doanh nghiệp: công cụ, dụng cụ, văn phòng phẩm, … vật liệu được sử dụng trong việc sửa chữa tài sản cố định,… được hạch toán thông qua tài khoản 6422.
- Chi phí đồ dùng văn phòng: chi phí chi cho các dụng cụ, đồ dùng văn phòng, được hạch toán thông qua tài khoản 6423
- Chi phí khấu hao tài sản cố định: phản ánh khoản khấu hao các tài sản cố định dùng chung cho doanh nghiệp như văn phòng làm việc, máy móc thiết bị quản lý, vật kiến trúc, phương tiện vật liệu truyền dẫn,… được hạch toán trong tài khoản 6424
- Thuế, phí và lệ phí: là chi phí cho thuế môn bài, tiền thuê đất, các khoản phí, lệ phí khác,… được nêu trong tài khoản 6425
- Chi phí dự phòng: dự phòng phải thu khó đòi, dự phòng phải trả tính vào chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, được hạch toán thông qua tài khoản 6426.
- Chi phí dịch vụ mua ngoài: đây là các khoản chi dịch vụ mua ngoài phục vụ cho công tác quản lý doanh nghiệp; các khoản chi mua và sử dụng tài liệu kỹ thuật, bằng sáng chế, tiền thuê tài sản cố định, chi phí trả cho nhà thầu phụ,… được hạch toán thông qua tài khoản 6427.
- Chi phí bằng tiền khác: các chi phí khác như chi phí hội nghị, công tác phí, tàu xe,…
Từ đây có thể thẩy rằng, nhà quản trị cần phải hiểu rõ về chi phí quản lý doanh nghiệp và xây dựng một kế hoạch quản lý hiệu quả thì mới có thể vận hành doanh nghiệp tốt được.
1.2 Định mức chi phí quản lý doanh nghiệp
Định mức chi phí quản lý doanh nghiệp là việc doanh nghiệp quy định mức chi phí cần phải có cho hoạt động quản lí doanh nghiệp. Chi phí quản lý doanh nghiệp ở đây là tổng chi phí được dùng cho các hoạt động quản lý như quản lý nhân sự, quản lý sản xuất, quản lý hành chính hay quản lý sản xuất kinh doanh.
Đây đều là những chi phí mà doanh nghiệp bắt buộc phải trả nếu muốn duy trì hoạt động kinh doanh. Mỗi doanh nghiệp sẽ có định mức chi phí quản lý doanh nghiệp khác nhau tùy thuộc vào cấu trúc doanh nghiệp và loại hình hoạt động.
Ngoài ra, định mức chi phí quản lý doanh nghiệp sẽ thay đổi theo từng năm dựa trên nhu cầu, thị trường và hoạt động.
a) Công dụng của định mức chi phí quản lý doanh nghiệp
- Đây là cơ sở giúp doanh nghiệp lập dự toán hoạt động vì muốn lập dự toán chi phí nhân công phải có định mức số giờ công, chi phí nguyên vật liệu phải có định mức nguyên vật liệu.
- Giúp cho các nhà quản lý kiểm soát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vì chi phí định mức là tiêu chuẩn, cơ sở để đánh giá.
- Góp phần thông tin kịp thời cho các nhà quản lý ra quyết định hàng ngày như định giá bán sản phẩm, chấp nhận hay từ chối một đơn đặt hàng, phân tích khả năng sinh lời.
- Gắn liền trách nhiệm của mỗi nhân viên với việc sử dụng tài nguyên sao cho cho tiết kiệm.
b) Nguyên tắc xây dựng định mức chi phí quản lý doanh nghiệp tiêu chuẩn
Quá trình xây dựng định mức tiêu chuẩn là một công việc có tính nghệ thuật kết hợp với khoa học. Nó kết hợp giữa suy nghĩ với tài năng chuyên môn của tất cả những người có trách nhiệm với giá và chất lượng sản phẩm.
Trước hết phải xem xét một các nghiêm túc toàn bộ kết quả đã đạt được. Trên cơ sở đó kết hợp với những thay đổi về điều kiện kinh tế, về đặc điểm giữa cung và cầu, về kỹ thuật để điều chỉnh và bổ sung cho phù hợp.
2. Cách tính chi phí quản lý doanh nghiệp
Cách tính chi phí quản lý doanh nghiệp như thế nào? Việc xác định được chi phí quản lý doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng, trong việc kiểm soát chi phí hoạt động doanh nghiệp.
2. 1 Phương pháp hạch toán chi phí quản lý doanh nghiệp
Kết cấu và nội dung phản ánh của Tài khoản 642 - Chi phí quản lý kinh doanh.
+ Bên Nợ:
- Các chi phí quản lý kinh doanh phát sinh trong kỳ;
- Số dự phòng phải thu khó đòi, dự phòng phải trả (Chênh lệch giữa số dự phòng phải lập kỳ này lớn hơn số dự phòng đã lập kỳ trước chưa sử dụng hết);
+ Bên Có:
- Các khoản được ghi giảm chi phí quản lý kinh doanh;
- Hoàn nhập dự phòng phải thu khó đòi, dự phòng phải trả (chênh lệch giữa số dự phòng phải lập kỳ này nhỏ hơn số dự phòng đã lập kỳ trước chưa sử dụng hết);
- Kết chuyển chi phí quản lý kinh doanh vào tài khoản 911 "Xác định kết quả kinh doanh".
+ Tài khoản 642 không có số dư cuối kỳ.
+ Tài khoản 642 - Chi phí quản lý kinh doanh có 2 tài khoản cấp 2:
- Tài khoản 6421 - Chi phí bán hàng: Phản ánh chi phí bán hàng thực tế phát sinh trong quá trình bán sản phẩm, hàng hóa và cung cấp dịch vụ trong kỳ của doanh nghiệp và tình hình kết chuyển chi phí bán hàng sang TK 911- Xác định kết quả kinh doanh.
- Tài khoản 6422 - Chi phí quản lý doanh nghiệp: Phản ánh chi phí quản lý chung của doanh nghiệp phát sinh trong kỳ và tình hình kết chuyển chi phí quản lý doanh nghiệp sang TK 911 - Xác định kết quả kinh doanh.
2.2 Sơ đồ hạch toán chí phí quản lý doanh nghiệp
3. Các loại thuế doanh nghiệp phải nộp
Doanh nghiệp phải đóng thuế như thế nào? Đây là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm, đặc biệt là những cá nhân đang có nhu cầu thành lập doanh nghiệp. Hiện nay theo quy định của pháp luật, mỗi năm doanh nghiệp bắt buộc phải nộp 4 loại thuế gồm: thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân.
2.1 Thuế môn bài
Thuế môn bài là loại thuế đầu tiên và bắt buộc doanh nghiệp tư nhân phải đóng. Thuế môn bài là một sắc thuế trực thu đánh trực tiếp vào giấy phép kinh doanh của tất cả các loại hình doanh nghiệp.
a) Mức thuế suất thuế môn bài doanh nghiệp
Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 302/2016/TT-BTC và Nghị định 139/2016/NĐ-CP, mức thu lệ phí môn bài doanh nghiệp tư nhân cụ thể như sau:
- Trên 10 tỷ: Các tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng phải đóng mức thuế môn bài là 3 triệu đồng/ năm.
- Dưới 10 tỷ: Các tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống phải đóng mức thuế môn bài là 2 triệu đồng/năm.
- Đối với chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác phải đóng mức thuế môn bài là 1 triệu đồng/ năm.
b) Lưu ý khi đóng thuế môn bài doanh nghiệp
Lệ phí môn bài nộp theo từng năm và nộp ngay thời điểm doanh nghiệp thành lập. Quy định tại Thông tư 302/2016/TT-BTC thì doanh nghiệp thành lập từ 01/01 đến 30/06 phải nộp đủ 100% lệ phí môn bài. Nếu thành lập từ 01/07 đến 31/12 thì nộp 50% mức nộp lệ phí môn bài theo quy định.
Trường hợp chi nhánh doanh nghiệp mới thành lập nhưng chưa hoạt động sản xuất kinh doanh thì phải nộp lệ phí môn bài trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của chi nhánh.
Mức thu lệ phí môn bài được thu dựa trên vốn điều lệ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Nếu doanh nghiệp tư nhân thay đổi vốn đầu tư hoặc vốn điều lệ, mức lệ phí môn bài phải đóng sẽ dựa vào vốn đầu tư hoặc vốn điều lệ của năm trước liền kề với năm tính lệ phí môn bài.
2.2 Thuế giá trị gia tăng
Một loại thuế doanh nghiệp bắt buộc phải đóng tiếp theo là thuế giá trị gia tăng. Thuế giá trị gia tăng là một loại thuế gián thu đánh vào khoản giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông và tiêu dùng, được nộp tùy thuộc mức độ tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ.
Có 2 phương pháp tính thuế gtgt phổ biến hiện nay là: phương pháp trực tiếp hoặc phương pháp khấu trừ. Tùy vào doanh nghiệp tư nhân lựa chọn phương pháp nào mà có cách tính thuế gtgt tương ứng, cụ thể:
a) Cách tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ
Số thuế GTGT phải nộp = Số thuế GTGT đầu ra - Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ
Trong đó:
- Số thuế GTGT đầu ra = Tổng số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ bán ra ghi trên hóa đơn GTGT.
- Thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ bán ra ghi trên hóa đơn GTGT = giá tính thuế của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế bán ra x với thuế suất thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ đó.
- Số thuế GTGT đầu vào = Tổng số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào ghi trên hóa đơn GTGT.
Tổng số thuế GTGT ghi trên hóa đơn GTGT mua hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả tài sản cố định) dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT, số thuế GTGT ghi trên chứng từ nộp thuế của hàng hóa nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế GTGT thay cho phía nước ngoài.
b) Cách tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp
Số thuế GTGT phải nộp = Tỷ lệ % x với doanh thu
Trong đó:
- Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu được quy định theo từng hoạt động như sau:
+/ Phân phối, cung cấp hàng hóa: 1%
+/ Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: 5%
+/ Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 3%
+/ Hoạt động kinh doanh khác: 2%.
- Doanh thu để tính thuế GTGT là tổng số tiền bán hàng hóa, dịch vụ thực tế ghi trên hóa đơn bán hàng đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT bao gồm các khoản phụ thu, phí thu thêm mà cơ sở kinh doanh được hưởng.
Trường hợp cơ sở kinh doanh có doanh thu bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT và doanh thu hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu thì không áp dụng tỷ lệ (%) trên doanh thu đối với doanh thu này.
2.3 Thuế thu nhập doanh nghiệp
Thuế thu nhập doanh nghiệp là loại thuế trực thu, đánh vào thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp bao gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và thu nhập khác theo quy định của pháp luật.
Công thức tính thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp được tính như sau:
Thuế TNDN phải nộp = (Thu nhập tính thuế – Phần trích lập quỹ KH&CN (nếu có)) x Thuế suất TNDN
Trong đó:
- Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế – Thu nhập được miễn thuế – Lỗ kết chuyển theo quy định
- Thu nhập chịu thuế = Doanh thu tính thế – Chi phí được trừ + Thu nhập chịu thuế khác theo pháp luật quy định.
- Thuế suất của thuế thu nhập doanh nghiệp được căn cứ vào doanh thu của doanh nghiệp trong năm, cụ thể:
- Doanh thu 20 tỷ đồng: Thuế suất 20%
- Doanh thu trên 20 tỷ đồng: Thuế suất 22%
- Một số trường hợp khác, mức thuế sẽ là 32%, 40%, 50%
2.4 Thuế thu nhập cá nhân
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính. Thu nhập hàng tháng của chủ doanh nghiệp tư nhân phát sinh từ việc quản lý doanh nghiệp (do chính họ làm ra) thì chủ doanh nghiệp không phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp cá nhân.
Tuy nhiên những khoản thu nhập phát sinh khác thuộc diện phải chịu thuế thu nhập cá nhân thì chủ doanh nghiệp tư nhân đó vẫn phải chịu thuế TNCN như thuê lao động ngoài, nhân sự công ty….Việc khấu trừ thuế thu nhập cá nhân thực hiện theo quy định tại thông tư 111/2013/TT-BTC như sau:
- Đối với cá nhân cư trú có hợp đồng lao động từ đủ 3 tháng trở lên: Khấu trừ theo biểu thuế lũy tiến từng phần và người lao động được tính giảm trừ gia cảnh trước khi khấu trừ. Doanh nghiệp trả thu nhập có trách nhiệm quyết toán thay cho các cá nhân có ủy quyền.
- Đối với cá nhân cư trú không có hợp đồng lao động hoặc có hợp đồng lao động dưới 03 tháng: Khấu trừ trực tiếp 10% tại nguồn trước khi trả thu nhập có tổng mức chi tra từ 2.000.000 đồng trở lên, không được tính giảm trừ gia cảnh nhưng được làm cam kết 02/CK-TNCN (nếu đủ điều kiện) để doanh nghiệp trả thu nhập tạm thời không khấu trừ thuế của các cá nhân này.
- Đối với cá nhân không cư trú: Khấu trừ 20% trước khi trả thu nhập
Ngoài 4 loại thuế quan trọng trên, nếu doanh nghiệp kinh doanh những ngành nghề đặc biệt thì phải chịu thêm những khoản thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu….
Trên đây là những thông tin xoay quanh vấn đề chi phí quản lý doanh nghiệp. Hy vọng thông qua bài viết này các bạn sẽ có thêm những thông tin hữu ích.
>> Các bạn xem thêm chi phí tiếp khách doanh nghiệp
Công ty TNHH Tư Vấn Doanh Nghiệp - Thuế - Kế Toán Tân Thành Thịnh
- Địa chỉ: 340/46 Quang Trung, Phường 10, Quận Gò Vấp, TP HCM
- SĐT: 028 3985 8888 Hotline: 0909 54 8888
- Email: lienhe@tanthanhthinh.com